Nấm Lưỡi
Nấm lưỡi là bệnh lý về răng miệng, thường gặp nhất ở đối tượng trẻ nhỏ, đồng thời người lớn cũng có tỷ lệ mắc khá cao. Bệnh gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, giấc ngủ, khả năng ăn uống dẫn đến suy nhược cơ thể và nhiều chứng bệnh liên quan khác. Vậy hiện tượng này có nguyên nhân do đâu, cách điều trị như thế nào đạt hiệu quả cao nhất? Bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề nêu trên đừng bỏ qua nội dung được chia sẻ ở bài viết dưới đây.
Nấm lưỡi là bệnh gì?
Nấm lưỡi còn được biết đến với tên gọi nấm miệng, tưa lưỡi, tưa miệng hay lưỡi bị trắng. Đây là hiện tượng nấm candida phát triển quá mức ở niêm mạc miệng, hai má trong, lưỡi, có thể lan ra môi, vòm miệng, dưới cổ họng, dẫn đến nhiễm trùng.
Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phổ biến nhất là trẻ nhỏ và người lớn tuổi do sức đề kháng và hệ miễn dịch của họ bị suy giảm.
Triệu chứng
Bệnh nấm lưỡi rất dễ phát hiện, tuy nhiên nếu không chú ý có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý răng miệng khác. Do đó dù ở đối tượng trẻ nhỏ hay người lớn, bạn cũng cần tìm hiểu về các triệu chứng để sớm phát hiện bệnh và tìm cách điều trị.
Dấu hiệu nấm lưỡi ở trẻ em:
- Khi mới khởi phát, ở đầu lưỡi người bệnh xuất hiện những chấm trắng nhỏ, về sau có thể lan rộng ở khắp bề mặt lưỡi và má, thậm chí lan xuống cổ, thực quản và một số bộ phận bên trong.
- Lưỡi có mảng trắng giống cặn sữa, khó làm sạch, khi bạn cố cạo hoặc chà xát sẽ gây đau rát, chảy máu nhẹ.
- Trẻ bị đau rát lưỡi, phần gai lưỡi có hiện tượng sưng đỏ.
- Hơi thở người bệnh có mùi hôi khó chịu do nấm tiết chất thải.
- Môi và da miệng bị khô hơn, thậm chí xuất hiện vết nứt ở khóe miệng báo hiệu bệnh tình trở nặng.
- Trẻ nhỏ bị bệnh có thể sốt nhẹ trong trường hợp nhiễm trùng, trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú hoặc không muốn ăn.
- Một số bé còn đang bú mẹ, nấm ở miệng sẽ dễ dàng lây qua vú mẹ khiến bộ phận này bị viêm đỏ, sưng và ngứa.
Triệu chứng nấm lưỡi ở người lớn thường gặp:
- Bệnh nhân bị nấm lưỡi xuất hiện lớp giả mạc mỏng, trắng kem hoặc trắng ngà ở lưỡi, vòm miệng. Một số trường hợp bị mảng dày màu đỏ kèm theo mụn li ti trong lưỡi.
- Ngay giữa lưỡi, nướu bị sưng tấy, cảm thấy cộm, vướng hoặc đau rát khó chịu.
- Người bệnh bị mất vị giác hoặc thay đổi vị giác khi ăn uống.
- Nếu bạn cọ xát vào vị trí bị nấm lưỡi có thể gây chảy máu nhẹ, đồng thời khóe miệng của người bệnh cũng bị viêm đỏ, nứt nẻ.
- Khi bệnh lý này tấn công xuống họng, thực quản gây khó nuốt, nuốt đau kèm theo hiện tượng sốt, tức ngực.
Nguyên nhân
Như đã nói, bệnh nấm lưỡi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi và người lớn tuổi. Lý do là các đối tượng này có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng suy giảm, tạo điều kiện để nấm candida có cơ hội phát triển mạnh mẽ và gây bệnh. Bên cạnh đó, những yếu tố chính gây nấm lưỡi đã được các chuyên gia nghiên cứu và kết luận bao gồm:
- Cách vệ sinh răng miệng: Ở cả người lớn và trẻ em, nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách, không thường xuyên thay bàn chải, tác động lực quá mạnh hoặc quá nhẹ cũng khiến vi khuẩn có hại tấn công trong khoang miệng.
- Trẻ nhỏ sử dụng ti giả không sạch: Bình sữa, ti giả của trẻ nếu không được vệ sinh, khử trùng thường xuyên sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xuất hiện. Thêm vào đó, thói quen vừa bú vừa ngủ, ngậm sữa khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ bị lưỡi trắng.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh: Thuốc tân dược mặc dù cho hiệu quả nhanh chóng nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Khi đó nếu bạn lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ tiêu diệt hết lợi khuẩn trong khoang miệng và hệ tiêu hóa, từ đó làm mất cân bằng hệ vi sinh và khiến hại khuẩn, nấm phát triển mạnh mẽ.
- Sử dụng corticoid khi viêm phế quản: Những đối tượng bị viêm phế quản cần sử dụng thuốc kiểm soát cơn hen có chứa corticoid trong thời gian dài, thậm chí suốt đời. Trong khi corticoid làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ vi khuẩn, vi nấm tấn công, đặc biệt là nấm candida. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân hen phế quản bị nấm miệng là 5:1 (tức là cứ 5 trường hợp bị hen sẽ có 1 người nấm lưỡi).
- Bị đái tháo đường: Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị lưỡi trắng cao gấp 3 lần so với bình thường. Những đối tượng này thường xuyên dung nạp thực phẩm nhiều đường, không thể kiểm soát được lượng đường huyết và nồng độ đường trong máu, từ đó nấm candida dễ tấn công và có điều kiện phát triển.
- Nhiễm HIV: Chúng ta đều biết, HIV làm suy giảm hệ miễn dịch, mất dần sức đề kháng cho người bệnh. Đây chính là cơ hội để nấm candida hình thành, tấn công, gây bệnh nấm lưỡi.
- Ung thư: Những người bị ung thư thường cần dùng thuốc, hóa xạ trị trong thời gian dài. Khi đó, hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng, lúc này nguy cơ nấm miệng xuất hiện là rất cao với tỷ lệ lên đến hơn 50%.
- Bị bệnh lý về răng miệng: Nếu bạn bị các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, hiện tượng khô miệng kéo dài cũng là yếu tố thuận lợi để nấm candida tấn công, gây bệnh.
Nấm lưỡi gây ra tác hại như thế nào?
Nấm lưỡi dù xuất hiện ở người lớn hoặc trẻ nhỏ đều gây ra những ảnh hưởng nhất định. Khi chưa thực sự hiểu rõ về bệnh lý này, nhiều người băn khoăn liệu nấm lưỡi có gây nguy hiểm không.
Các chuyên gia cho biết, tình trạng tưa lưỡi hay lưỡi trắng được xếp vào nhóm bệnh khá lành tính, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên bạn cũng không nên xem thường. Nếu không được điều trị dứt điểm từ sớm, hiện tượng này rất dễ gây ra những tác hại như:
- Với trẻ nhỏ, nấm lưỡi gây đau rát, khó chịu ở khoang miệng, khiến trẻ bỏ bú, thường xuyên quấy khóc, mất ngủ dẫn đến suy nhược cơ thể, thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Bệnh tình này rất dễ lây lan ra toàn bộ khoang miệng thay vì chỉ xuất hiện ở lưỡi, bao gồm môi, nướu, niêm mạc má, vòm miệng, amidan, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh răng miệng và gây khó khăn cho quá trình điều trị.
- Nấm miệng khi lây lan xuống hệ tiêu hóa sẽ gây đau tức ngực, khó nuốt, thường xuyên nôn mửa khi thức ăn được đưa vào.
- Vi khuẩn, nấm nếu tấn công xuống hệ hô hấp sẽ gây ra các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, nguy hiểm hơn còn gây ra tình trạng viêm nấm đa tạng phủ.
Có thể thấy, nấm lưỡi gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, làm giảm chất lượng cuộc sống khi người bệnh ăn không ngon, mất ngủ, thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa. Do đó ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường, bạn cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được thăm khám, có biện pháp điều trị từ sớm và phù hợp.
Biện pháp điều trị bệnh tưa lưỡi hiệu quả nhất
Nấm lưỡi là bệnh lý không nên xem thường vì có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Tùy mức độ bệnh và đối tượng mắc có thể lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau như dùng mẹo tại nhà hoặc sử dụng thuốc. Cụ thể:
Dùng mẹo tại nhà
Mẹo tại nhà thường áp dụng cho trường hợp bị nấm lưỡi ở thể nhẹ, đốm trắng ít, nhỏ, chỉ xuất hiện ở lưỡi và chưa lây lan ra diện rộng. Khi đó cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có, dễ tìm để tiêu diệt nấm và kiểm soát bệnh.
- Dùng nước muối: Nước muối sinh lý có khả năng khử khuẩn, sát trùng cực kỳ tốt, không chỉ làm sạch khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn, vi nấm và các tác nhân gây hại mà còn cải thiện tình trạng sưng viêm cho bệnh nhân. Khi thực hiện, bạn lấy khoảng 10ml dung dịch nước muối 0,9%, dùng gạc rơ lưỡi thấm nước muối, nhẹ nhàng rơ để vệ sinh lưỡi, mỗi ngày khoảng 2 lần.
- Sử dụng lá trà xanh: Trà xanh có chứa nhiều hoạt chất chống lão hóa, đồng thời các thành phần trong nguyên liệu này còn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi nấm, rất tốt cho bệnh nhân bị nấm lưỡi. Chuẩn bị khoảng 50g lá trà xanh tươi rửa sạch, sau đó cho vào nồi, đun cùng nước lọc và một ít muối đến khi sôi khoảng 5 phút. Lúc này bạn chắt nước trà ra, dùng gạc rơ lưỡi thấm vào nước trà rồi rơ lưỡi nhẹ nhàng.
- Lá hẹ chữa nấm lưỡi: Có thể nhiều người chưa biết, lá hẹ có công dụng rất tốt trong việc diệt khuẩn, nấm và các tác nhân gây hại, đảm bảo an toàn, lành tính, có thể sử dụng được cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Để cải thiện bệnh lưỡi trắng, bạn chuẩn bị khoảng 100g lá hẹ tươi, rửa sạch rồi xay cùng 50ml nước. Mang hỗn hợp này đun sôi trong 3 phút với lửa nhỏ, chờ nguội thì lọc lấy dịch chiết. Dùng gạc rơ lưỡi thấm vào dịch chiết lá hẹ, nhẹ nhàng rơ lưỡi và các vị trí bị nấm trong khoang miệng.
Sử dụng thuốc
Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, không thể cải thiện bằng nguyên liệu sẵn có tại nhà, bệnh nhân nấm lưỡi cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc dạng bôi hoặc uống. Do thuốc tân dược có thể tiềm ẩn tác dụng phụ, bạn cần tuân thủ đúng chỉ định, hướng dẫn cách dùng, liều dùng của chuyên gia để đảm bảo an toàn.
Một số loại thuốc trị nấm lưỡi thường được sử dụng đó là:
- Miconazole: Đây là loại thuốc bôi thuộc nhóm imidazole, có khả năng kháng nấm mạnh mẽ. Thuốc hoạt động dựa theo cơ thể ức chế enzyme tham gia tổng hợp ergosterol (một thành phần của màng tế bào vi nấm), từ đó tiêu diệt được các vi nấm gây hại. Với người lớn và trẻ trên 2 tuổi mỗi ngày bôi 2 lần, khi khỏi cần tiếp tục bôi trong 1 tuần để ngăn ngừa tái phát.
- Fluconazol: Sản phẩm này là thuốc trị nấm lưỡi dạng uống, thuộc nhóm triazole, có khả năng phá hủy màng nấm, ngăn ngừa nấm tăng sinh. Fluconazol thường được chỉ định trong trường hợp nấm miệng candida, nấm thực quản, âm đạo,... Liều lượng thường dùng cho người lớn là 150mg/lần/ngày, trẻ trên 4 tuổi là 3mg/kg/ngày, trẻ dưới 4 tuổi tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Clotrimazole: Clotrimazole có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm ở niêm mạc lưỡi, miệng. Thuốc được điều chế dưới dạng viên ngậm, thích hợp cho đối tượng từ 2 tuổi trở lên. Khi dùng, người bệnh ngậm 5 viên mỗi ngày trong thời gian 14 ngày, ngậm tư 15 - 30 phút cho đến khi thuốc tan hoàn toàn, không nên nhai hoặc nuốt cả viên sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
- Amphotericin B: Đây cũng là loại thuốc thường được dùng cho người bệnh nấm lưỡi, có khả năng kháng nấm mạnh, ngăn ngừa sự phát triển và tiêu diệt hoàn toàn các loại nấm. Amphotericin B có thể sử dụng để bôi vào vị trí bị nấm trong khoang miệng, ngoài ra, một số trường hợp được chỉ định tiêm tĩnh mạch để trị nấm toàn thân. Chú ý liều dùng và cách dùng sẽ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Một số lưu ý khi phòng ngừa và cải thiện nấm lưỡi
Nấm lưỡi rất dễ xuất hiện do nhiều yếu tố tác động, đồng thời gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Do vậy ngoài việc tìm đến các biện pháp điều trị từ sớm, người bệnh còn cần chú ý phòng ngừa và cải thiện tại nhà như sau:
- Chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách, thay bàn chải thường xuyên, đánh răng với lực vừa đủ và sử dụng thêm nước muối sinh lý để súc miệng nhằm mục đích sát khuẩn, loại bỏ nấm và các tác nhân gây hại trong miệng.
- Nếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần dùng gạc mềm nhúng nước ấm, vệ sinh sạch lưỡi, nướu, môi cho con vào mỗi buổi sáng tối hoặc sau khi ăn uống.
- Vệ sinh thật sạch bình sữa, ti giả, đồ chơi, đồ dùng của con trẻ.
- Người lớn không nên hôn trẻ bằng miệng để tránh lây nhiễm vi khuẩn, vi nấm.
- Nếu có kế hoạch mang thai, chị em phải điều trị nấm âm đạo nếu có vì bệnh có thể lây truyền sang con khiến đứa trẻ khi sinh ra dễ bị nấm lưỡi.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, không dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. Đồng thời bạn nên thường xuyên tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
- Bổ sung nhiều nước để khoang miệng không bị khô, kết hợp với đó là chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm có lợi. Cần hạn chế đồ ngọt nhiều đường, thức ăn chứa nhiều axit vì đây là yếu tố thuận lợi cho vi nấm phát triển.
- Người bình thường không nên sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh nấm lưỡi để tránh lây nhiễm.
- Nếu sau một thời gian dùng mẹo tại nhà hoặc thuốc không có kết quả như mong muốn, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, tìm biện pháp điều trị tốt hơn.
- Hãy thăm khám định kỳ răng miệng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ để sớm phát hiện các bệnh lý nếu có, đặc biệt là nấm lưỡi.
Nấm lưỡi là bệnh rất dễ xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và tiềm ẩn những bệnh lý đáng lo ngại. Bởi vậy bạn cần tìm ra nguyên nhân để phòng tránh, đồng thời thăm khám từ sớm để có được phác đồ điều trị chuẩn từ chuyên gia, tránh để bệnh tiến triển nghiêm trọng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!