Viêm Loét Miệng
Lớp niêm mạc miệng bao phủ trong khoang miệng của chúng ta, thường dễ bị tổn thương do quá trình ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày. Khi đó, trong miệng, ở lưỡi, nướu, hai bên má và trên môi có thể hình thành những vết loét gây đau rát, khó chịu, còn được gọi là viêm loét miệng. Vậy đây thực chất là chứng bệnh gì, nguyên nhân do đâu, cách cải thiện và phòng tránh tái phát như thế nào? Nếu đang quan tâm đến những vấn đề này, bạn đọc đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Những điều cần biết về hiện tượng viêm loét miệng
Viêm loét miệng là những vết loét nông, nhỏ có hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng viền đỏ hoặc vàng viên đỏ, xuất hiện chủ yếu ở môi, nướu, hai bên má, dưới lưỡi. Hiện tượng này thường thuyên giảm và khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày, tuy nhiên nếu không có biện pháp cải thiện, các tác nhân gây hại liên tục tác động thì vết loét có thể lan rộng hơn và kéo dài nhiều ngày, gây ra cảm giác đau rát, sưng tấy khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, chất lượng cuộc sống.
Bệnh viêm loét miệng xảy ra chủ yếu ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Đồng thời nhiều nghiên cứu cũng kết luận rằng hiện tượng này có tính chất di truyền và khả năng tái phát nhiều lần rơi vào khoảng 30% tổng số trường hợp mắc phải.
Dựa vào mức độ bệnh và những tổn thương có thể quan sát được, người ta chia thành 3 dạng viêm loét miệng như sau:
- Viêm loét loại nhỏ: Đây là trường hợp hay gặp nhất với đặc trưng là những tổn thương hình oval, nông, nhỏ, tự khỏi sau khoảng 7 ngày và không để lại sẹo.
- Viêm loét loại trung bình: Với tình trạng này, vết lở loét có kích thước trung bình và tổn thương sâu hơn, bờ không đều, cần từ 4 - 6 tuần mới có thể lành thương và khả năng cao để lại sẹo.
- Viêm loét dạng herpes: Loại này có kích thước khá nhỏ, tương tự như đầu đinh ghim, tuy nhiên lại tập trung thành từng mảng, khoảng 10 - 100 nốt, khỏi sau 1 - 2 tuần và không để lại sẹo.
Bạn cần chú ý viêm loét miệng bao gồm các nốt đỏ ửng, lở loét gây đau rát, thường bị nhầm lẫn với một số bệnh ở miệng khác. Nếu không phân biệt được cụ thể, việc áp dụng biện pháp điều trị không cho hiệu quả tích cực, thậm chí gây ra nhiều nguy hại. Các chuyên gia cho biết, loét miệng do herpes khá giống với bệnh tự miễn, ung thư biểu mô hầu họng. Cụ thể:
- Viêm loét do herpes: Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do virus HSV làm xuất hiện vết lở kích thước nhỏ, phồng rộp và tụ tập thành từng mảng ở quanh miệng, má, nướu, môi hay trên lưỡi. Khoảng 5 - 14 ngày, vết phồng rộp này sẽ vỡ, chảy dịch và đóng vảy khô.
- Bệnh tự miễn: Những đối tượng mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, hội chứng Behcet có nguy cơ cao bị viêm loét miệng. Khi đó, ngoài biểu hiện ban đầu là vết lở loét gây sưng đau khó chịu, người bệnh còn có thể bị thiếu máu, tổn thương khớp hoặc tác động xấu đến những cơ quan khác trong cơ thể.
- Ung thư biểu mô hầu họng: Các triệu chứng thường gặp nhất của ung thư biểu mô hầu họng đó là vết lở loét ở miệng kèm theo hiện tượng nổi hạch, sốt cao. Đặc biệt những tổn thương này thường kéo dài liên tục, lâu lành và dễ tái phát. Do có tính phức tạp và nguy hiểm, người bệnh cần thăm khám bác sĩ từ sớm.
Triệu chứng
Viêm loét miệng ở trẻ em hay người lớn đều rất dễ phát hiện với các triệu chứng nổi bật. Để tránh nhầm lẫn với một số bệnh lý về răng miệng khác, bạn nên tìm hiểu về những dấu hiệu phổ biến của loét miệng như sau:
- Trên miệng, nướu, lưỡi, hai bên má hoặc môi của người bệnh xuất hiện một hay nhiều vết lở loét màu đỏ trắng hoặc vàng, kích thước khoảng 1mm. Khi vết thương lành sẽ chuyển thành màu trắng xám.
- Trong quá trình ăn uống, người bệnh có cảm giác đau rát, xót, vô cùng khó chịu, nhất là khi ăn thức ăn mặn, chua, cay nóng gây kích ứng vết loét.
- Loét miệng gây khó khăn khi nói chuyện, giao tiếp với mọi người.
- Trẻ nhỏ bị viêm loét miệng thường chảy nước dãi, bỏ bú và bỏ ăn.
- Một số trường hợp nổi hạch và sốt nhẹ trong vài ngày.
- Ngoài những triệu chứng kể trên, người bệnh loét miệng cũng có thể gặp các biểu hiện như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, chuột rút, hay cáu gắt, tiêu hóa kém,....
Nguyên nhân gây ra hiện tượng viêm loét miệng
Nguyên nhân gây viêm loét miệng ban đầu được xác định là do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất hoặc tổn thương cơ học. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nêu ra nhiều yếu tố tác động khiến bệnh xuất hiện và tái phát liên tục như sau:
- Thiếu hụt dưỡng chất: Vitamin B9, B12, C và các khoáng chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Nếu chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm loét niêm mạc miệng.
- Tổn thương ở miệng: Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách, sử dụng bàn chải quá cứng hoặc dùng lực tác động quá mạnh gây tổn thương và tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, tấn công.
- Tác động nhiệt: Những đối tượng thường xuyên gặp tình trạng nóng trong hoặc ăn nhiều đồ ăn quá nóng, quá lạnh cũng rất dễ gặp tình trạng viêm loét miệng.
- Dung nạp thực phẩm không lành mạnh: Vết loét ở miệng có thể hình thành do bạn ăn nhiều thực phẩm hoặc gia vị có tính acid, cay hoặc cơ thể bị nhạy cảm với socola, dứa, cà phê, phomat,..
- Lạm dụng thuốc Tây: Việc sử dụng thuốc Tây y trong thời gian dài hoặc uống không đúng liều lượng cũng tiềm ẩn tác dụng phụ đó là viêm loét miệng do chúng ức chế hoạt động của tuyến nước bọt, gây khô miệng kéo dài.
- Uống ít nước: Nếu không bổ sung cho cơ thể từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày cũng tăng nguy cơ bị lở loét ở miệng. Khi đó, trong cơ thể không đủ nước để tuyến nước bọt tiết ra bình thường dẫn đến khoang miệng bị khô, tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công và vết loét xuất hiện.
- Căng thẳng, stress: Trong trường hợp thường xuyên bị căng thẳng, áp lực do công việc, cuộc sống, học tập khiến sức đề kháng giảm, hệ miễn dịch kém, từ đó lớp niêm mạc miệng nhạy cảm hơn, dễ bị vi khuẩn, vi nấm tấn công gây loét.
- Do mắc bệnh mãn tính: Nếu bạn mắc các bệnh truyền nhiễm ở miệng như nhiễm trùng herpes, thủy đậu hoặc bệnh về dạ dày, đại tràng, ruột non, viêm toàn thân, khiến hệ miễn dịch suy giảm và xuất hiện ổ viêm loét.
- Nguyên nhân khác: Khi vô tình cắn phải lưỡi, môi hoặc có tác động lực từ bên ngoài vào khiến các bộ phận bên trong khoang miệng bị tổn thương, hình thành bệnh viêm loét miệng.
Phương pháp chữa loét miệng hiệu quả nhất
Loét miệng có nhiều mức độ khác nhau, thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nên hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên bạn cần xác định được chính xác đó là viêm loét miệng thay vì một số bệnh nguy hiểm như bệnh tự miễn, ung thư,...
Hiện nay có 2 phương pháp điều trị phổ biến và cho hiệu quả tích cực trong trường hợp này đó là áp dụng mẹo dân gian và sử dụng thuốc tân dược.
Dùng nguyên liệu tự nhiên
Dùng nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại nhà thường thích hợp cho trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát, các triệu chứng chưa tiến triển nghiêm trọng, đặc biệt khỏi phát từ những nguyên nhân bên ngoài như chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, căng thẳng, stress,....
Ưu điểm của biện pháp này là an toàn, dễ thực hiện, không gây tác dụng phụ như thuốc Tây y, tiết kiệm đáng kể chi phí và mang đến hiệu quả tích cực:
Rau diếp cá
Đây là loại cây đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta, thường được dùng để ăn sống hoặc làm nguyên liệu chữa bệnh trong Đông y. Được biết diếp cá có tác dụng tốt trong việc thanh nhiệt, đào thải độc tố bên trong cơ thể. Đặc biệt các thành phần hoạt chất của loại rau này còn giúp kháng khuẩn, chống viêm, tiêu diệt được ký sinh trùng gây hại nên chữa nhiệt miệng rất tốt.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị 100g rau diếp cá, chỉ chọn lá xanh tươi, không sâu bệnh hay héo úa.
- Sau khi rửa sạch và ngâm cùng nước muối pha loãng, bạn mang xay sinh tố cùng một ít nước, loại bỏ bã và uống trực tiếp.
- Mỗi ngày người bệnh nên uống từ 2 - 3 lần và kiên trì khoảng 7 ngày để bệnh tình được đẩy lùi.
Dùng nước muối
Nước muối có đặc tính là kháng viêm, diệt khuẩn nên được khuyến khích dùng để loại bỏ những tác nhân gây hại trong khoang miệng. Đặc biệt khi bị bệnh, tại vết loét sẽ xuất hiện nhiều loại vi khuẩn, vi nấm, khi sử dụng nước muối sinh lý sẽ hỗ trợ loại bỏ chúng hoàn toàn, ngăn ngừa nhiễm trùng và kích thích quá trình tái tạo tế bào mới tốt hơn.
Cách thực hiện:
- Bạn có thể mua nước muối sinh lý ở hiệu thuốc hoặc pha loãng muối tinh nguyên chất cùng nước ấm.
- Sử dụng để súc miệng mỗi ngày 2 – 3 lần, kiên trì cho đến khi tình trạng viêm loét miệng được đẩy lùi.
Dầu dừa
Dùng dầu dừa chữa nhiệt miệng là mẹo hay được dân gian mách nhau rất nhiều. Đây là nguyên liệu dễ tìm, có chứa acid lauric cùng nhiều hoạt chất khác với khả năng kháng viêm, sát trùng nhẹ. Do đó dầu dừa sẽ làm dịu kích ứng, giúp giảm nhanh cơn đau rát, khó chịu, sưng tấy do nhiệt miệng gây ra, đồng thời thúc đẩy tổn thương nhanh lành.
Cách thực hiện:
- Sử dụng dầu dừa nguyên chất để thoa trực tiếp lên vị trí bị viêm loét miệng, từ 2 - 3 lần mỗi ngày, hạn chế tiết và nuốt nước bọt khi thoa để hoạt chất giữ lại trong miệng và tác động tốt hơn.
- Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng dầu dừa để súc miệng, kết hợp massage bằng lưỡi trong khoảng 30 giây rồi rửa lại với nước sạch, mỗi ngày 2 – 3 lần sẽ giúp vết loét được phục hồi nhanh hơn.
Sử dụng thuốc
Nếu áp dụng các mẹo dân gian kể trên không đạt được hiệu quả như mong muốn hoặc bệnh đã ở giai đoạn nặng, cần ưu tiên sử dụng thuốc. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý đó là phải hỏi ý kiến bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng dùng để tránh tác dụng phụ. Những loại thuốc chữa viêm loét miệng phổ biến hiện nay là:
- Orrepaste: Đây là thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ Malaysia và đang rất được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam. Sản phẩm có chứa hoạt chất triamcinolone acetonide có thể điều trị những bệnh lý ở miệng như nhiệt miệng, môi khô nứt nẻ, từ đó giảm đau nhức, khó chịu, đồng thời ngăn ngừa vết loét lan rộng. Bạn lấy một lượng gel vừa đủ thoa trực tiếp lên vị trí bị tổn thương, mỗi ngày dùng từ 2 - 3 lần, ưu tiên sau khi ăn và trước khi ngủ.
- Zytee RB: Thuốc được sản xuất tại Ấn Độ, thuộc nhóm thuốc bôi chống viêm không chứa steroid. Các thành phần hoạt chất của thuốc hoạt động dựa theo cơ chế ngăn chặn giải phóng hormone prostaglandin, từ dó giảm đau, kháng viêm hiệu quả, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn và tác nhân gây hại trong khoang miệng. Khi dùng, thoa 1 - 2 giọt gel ra ngón tay, bôi trực tiếp vào vị trí loét miệng, ngày từ 2 - 4 lần.
- Emofluor Gel: Loại thuốc này cũng được bác sĩ chỉ định rất nhiều cho những bệnh nhân bị nhiệt miệng. Emofluor Gel có nguồn gốc từ Thụy Sỹ, được Tổ chức Y tế hàng đầu Thế giới chứng nhận an toàn nên bạn có thể yên tâm sử dụng. Thuốc có tác dụng ức chế sự lây lan của vết loét, kiểm soát cơn đau nhức, khó chịu. Người bệnh bôi thuốc vào vị trí bị loét, chờ khoảng 1 phút để thuốc ngấm thì nhổ bỏ và súc miệng lại với nước sạch, không được nuốt. Mỗi ngày bôi từ 3 - 4 lần với liều điều trị hoặc 1 lần/ngày với liều dự phòng tái phát.
Lưu ý khi điều trị và phòng ngừa viêm loét miệng
Viêm loét miệng nếu không được cải thiện từ sớm thường gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, trong khi bệnh có khả năng cao tái phát nhiều lần. Do đó bạn cần thận trọng, chú ý trong quá trình điều trị và tìm biện pháp phòng ngừa, cụ thể:
- Cần vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng bàn chải lông mềm, đánh răng 2 lần mỗi ngày vào sáng - tối với lực tác động vừa đủ, không quá mạnh để tránh gây tổn thương khoang miệng.
- Sử dụng nước muối súc miệng để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, ưu tiên dùng chỉ nha khoa thay cho tăm thường khi xỉa răng.
- Bổ sung nhiều nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày tránh khoang miệng bị khô, dễ tổn thương, lở loét.
- Người bệnh cần thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, cân bằng thời gian làm việc, nghỉ ngơi, không để bản thân lao lực quá sức.
- Giữ tâm lý thoải mái, lạc quan, tích cực, không nên suy nghĩ nhiều dẫn đến căng thẳng, áp lực, stress vì đây là một trong những yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh giàu vitamin, khoáng chất, đồ ăn có tính thanh nhiệt, giải độc, thực phẩm chứa nhiều omega 3 và gia vị có tính kháng viêm, diệt khuẩn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh xa món ăn chua, cay, mặn, kẹo ngọt, đồ uống có gas, có cồn, cafein.
- Ưu tiên thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt, không ăn đồ ăn quá dai, cứng.
- Việc sử dụng thuốc chữa bệnh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ từ trước, tuân thủ đúng chỉ định về liều lượng, cách dùng để tránh gây hại cho bản thân.
- Sau một thời gian áp dụng mẹo tại nhà hoặc thuốc không có tiến triển, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám, nhận phác đồ phù hợp hơn.
Thực tế, viêm loét miệng rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý về răng miệng khác. Do vậy tốt nhất bạn hãy gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh và hướng chữa trị hiệu quả. Loét miệng gây ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, bởi thế bạn không được chủ quan, cần tìm các phòng tránh từ những thói quen hàng ngày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!