Hôi Miệng Do Sâu Răng: Cách Xử Lý Và Phòng Ngừa Hiệu Quả
Hôi miệng do sâu răng là vấn đề thường gặp. Khi sâu răng, thức ăn, mảng bám dễ tích tụ, vi khuẩn tấn công gây mùi. Bên cạnh đó, hiện tượng viêm nhiễm, hoại tử mô tủy trong miệng cũng gây ra mùi hôi khó chịu [1].
Để xử lý bạn có thể sử dụng nguyên liệu tự nhiên tại nhà hoặc điều trị tại nha khoa với các biện pháp như: Tái khoáng, chữa tủy, trám răng, bọc răng sứ, nhổ răng [2].
Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh và tái khám nha khoa thường xuyên để ngăn ngừa sâu răng và hôi miệng [3].
Sâu răng có gây hôi miệng không?
Các chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng là sâu răng. Sâu răng là kết quả của quá trình vi khuẩn trong miệng chuyển hóa các carbohydrate (đặc biệt là đường) thành axit. Axit này làm phá hủy men răng và tạo ra các lỗ sâu – nơi lý tưởng cho vi khuẩn tích tụ và phát triển.
Thông thường, hôi miệng do sâu răng theo cơ chế sau:
- Trong các lỗ sâu răng, thức ăn dễ mắc kẹt và khó được làm sạch hoàn toàn. Vi khuẩn phân hủy thức ăn còn sót lại trong các lỗ sâu, sản sinh ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi như hydrogen sulfide, methyl mercaptan và dimethyl sulfide. Đây chính là những hợp chất gây ra mùi hôi khó chịu trong miệng.
- Mảng bám răng là lớp màng mềm chứa vi khuẩn, thức ăn và các tế bào chết, dễ tích tụ trong các lỗ sâu và kẽ răng bị sâu. Mảng bám này không chỉ gây sâu răng mà còn là nguồn gốc gây hôi miệng do chứa nhiều vi khuẩn sản sinh các hợp chất lưu huỳnh.
- Hiện tượng sâu răng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng và viêm nhiễm trong răng và nướu. Nhiễm trùng này có thể tạo ra mủ và các chất thải của vi khuẩn, làm tăng mùi hôi trong miệng.
- Khi sâu răng tiến triển đến tủy răng, nó có thể gây viêm tủy và hoại tử tủy. Mô tủy bị hoại tử sẽ phân hủy và tạo ra mùi hôi rất khó chịu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì nó có thể dẫn đến áp-xe răng, gây đau đớn và mùi hôi rõ rệt.
- Một số trường hợp sâu răng liên quan đến tình trạng khô miệng, do giảm sản xuất nước bọt. Nước bọt có tác dụng làm sạch miệng và cuốn trôi vi khuẩn cùng các hợp chất gây mùi. Khi thiếu nước bọt, vi khuẩn và các chất gây mùi dễ tích tụ hơn, làm tăng nguy cơ hôi miệng.
Tình trạng hôi miệng do sâu răng phải làm sao?
Hôi miệng do sâu răng có thể gây ra nhiều phiền toái và làm giảm tự tin trong giao tiếp, về lâu dài còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế bạn cần tìm biện pháp xử lý phù hợp.
Điều trị tại nha khoa
Khi bị hôi miệng do sâu răng, các bác sĩ khuyến khích người bệnh nên đến nha khoa để được thăm khám và điều trị. Tùy vào mức độ hôi miệng, sâu răng và nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.
Tái khoáng:
- Đây là kỹ thuật bổ sung các khoáng chất như fluoride, canxi và phosphate vào men răng để phục hồi vùng bị sâu mới chớm.
- Ưu điểm của tái khoáng là không cần khoan răng, không xâm lấn, ngăn chặn sự tiến triển của sâu răng ở giai đoạn sớm, quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng.
- Nhược điểm là chỉ hiệu quả với trường hợp hôi miệng do sâu răng nhẹ, không áp dụng được với lỗ sâu lớn.
Chữa tủy:
- Phương pháp này nhằm mục đích loại bỏ tủy răng bị nhiễm trùng hoặc chết, sau đó làm sạch và trám kín ống tủy.
- Ưu điểm là bảo tồn được răng tự nhiên, tránh phải nhổ răng, loại bỏ triệt để nguyên nhân gây đau nhức hay nhiễm trùng và tiêu diệt nguồn vi khuẩn, mùi hôi từ tủy răng hỏng.
- Nhược điểm của chữa tủy là quá trình điều trị phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao, người bệnh cần trám răng hoặc bọc sứ sau đó để bảo vệ cùi răng thật.
Trám răng:
- Đối với tình trạng hôi miệng do sâu răng, bác sĩ sẽ xử lý phần răng sâu, lấp đầy khoảng trống bằng vật liệu trám như amalgam, composite hoặc sứ.
- Ưu điểm của trám răng là cho hiệu quả nhanh, khắc phục lỗ sâu ngay lập tức, đảm bảo tính thẩm mỹ.
- Nhược điểm là vật liệu trám có thể bị mòn hoặc nứt theo thời gian, tuổi thọ duy trì từ 3 – 5 năm sẽ cần thay mới.
Bọc răng sứ:
- Bọc răng sứ sử dụng mão răng giả làm từ sứ hoặc kim loại để bao phủ hoàn toàn răng bị hỏng.
- Ưu điểm là bảo vệ răng bị sâu khỏi các tác động bên ngoài, đảm bảo tính thẩm mỹ do răng giả có màu sắc tự nhiên, hình dáng giống răng thật và tuổi thọ lâu dài, trên 10 năm.
- Nhược điểm của bọc răng sứ là chi phí cao, bắt buộc phải mài răng thật để bọc sứ, gây mất một phần mô răng tự nhiên.
Nhổ răng:
- Nhổ răng được thực hiện trong trường hợp răng sâu quá nghiêm trọng, không thể cứu chữa bằng các phương pháp khác.
- Ưu điểm của nhổ răng là loại bỏ hoàn toàn nguồn nhiễm trùng và mùi hôi khó chịu, ngăn ngừa nhiễm trùng lan sang các răng và mô xung quanh.
- Nhược điểm là sau nhổ răng buộc phải phục hình bằng cách trồng răng giả, gây tốn thêm chi phí.
Xử lý tại nhà
Để xử lý tình trạng hôi miệng do sâu răng mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng mẹo tại nhà như:
Dùng tinh dầu tràm trà, bạc hà:
- Có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giúp giảm vi khuẩn gây hôi miệng và sâu răng, đồng thời làm sạch mảng bám và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
- Bạn pha vài giọt tinh dầu tràm trà vào một cốc nước ấm, súc miệng bằng dung dịch này trong khoảng 30 giây, sau đó nhổ ra.
Dùng lá ổi:
- Lá ổi có chứa hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, ngừa sâu răng tiến triển nghiêm trọng và loại bỏ mùi hôi miệng.
- Bạn lấy lá ổi non tươi ngâm rửa cùng nước muối rồi nhai trực tiếp trong 3 phút và nhổ ra, súc miệng với nước sạch.
Nước chanh và muối:
- Chanh và muối đều có tính kháng khuẩn, giúp giảm vi khuẩn trong miệng. Bên cạnh đó, những nguyên liệu này sẽ làm sạch miệng và tạo cảm giác thơm mát.
- Bạn pha nước cốt chanh và một ít muối vào nước ấm. Sử dụng dung dịch này để súc miệng trong 30 – 60 giây rồi nhổ ra.
Cách phòng ngừa hôi miệng do sâu răng
Dưới đây là một số biện pháp ngừa hôi miệng do sâu răng bạn có thể tham khảo và áp dụng để chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt nhất:
- Sử dụng bàn chải mềm và kem đánh răng chứa fluoride để chải răng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Dùng thêm chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa còn sót lại.
- Chọn nước súc miệng có chứa các thành phần diệt khuẩn để giảm vi khuẩn gây hôi miệng và sâu răng.
- Khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu, các nhiễm trùng khác.
- Có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đường và thực phẩm chứa đường vì đây là nguồn thức ăn chính của vi khuẩn gây sâu răng. Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để làm sạch răng và kích thích sản xuất nước bọt, hỗ trợ vệ sinh răng miệng tự nhiên.
- Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh như nhai kẹo cao su không đường, tránh hút thuốc lá và uống rượu, không ăn vặt liên tục,…
Hôi miệng do sâu răng không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng đến sự tự tin và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thăm khám nha sĩ định kỳ, bạn có thể ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả tình trạng này. Tốt nhất nên gặp bác sĩ ngay khi có biểu hiện bất thường về răng miệng để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!